[ Hoạt động 6 ]: Cặp phạm trù cơ bản của triết học: Tất nhiên và ngẫu nhiên



I) Tất nhiên - Ngẫu nhiên là gì ?

Tất nhiên là cái do những nguyên nhân cơ bản, bên trong của kết cấu vật chất quyết định và trong những điều kiện nhất định phải xảy ra đúng như thế chứ không thể khác.

– Ví dụ:

 + Đã là con người, ai cũng phải sinh ra, lớn lên và chết đi. Điều này không thể khác được.

 + Khi ta trồng một loại hạt, ví dụ là hạt lúa thì cây mọc lên tất nhiên phải là cây lúa không thể nào khác được.


Ngẫu nhiên là cái không phải do bản thân kết cấu của sự vật, mà do các nguyên nhân bên ngoài, do sự ngẫu hợp của nhiều hoàn cảnh bên ngoài quyết định; do đó, nó có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện như thế này, cũng có thể xuất hiện như thế khác.

Ví dụ:

+ Mỗi chúng ta sinh ra hay mất đi trong cuộc sống là hoàn toàn ngẫu nhiên, các thời điểm này có thể khác đi do những nguyên nhân bên ngoài.

Nếu ta để một quả trứng ở một nơi nhất định thì việc quả trứng bị vỡ hay không là hoàn toàn ngẫu nhiên, có thể quả trứng vỡ do rơi, do bị ai đó giẫm lên, hoặc có thể nó không vỡ…




II) Mối quan hệ giữa tất nhiên và ngẫu nhiên

  1. Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại một cách khách quan, ở bên ngoài và độc lập với ý thức của con người

– Dù con người có nhận thức được hay chưa, tất nhiên và ngẫu nhiên luôn tồn tại và phát huy vai trò của nó đối với sự phát triển của sự vật, hiện tượng.

– Trong quá trình phát triển của sự vật, tất nhiên và ngẫu nhiên đều có vai trò quan trọng:

+ Cái tất nhiên có tác dụng chi phối sự phát triển của sự vật.

+ Cái ngẫu nhiên có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của sự vật, có thể làm cho sự phát triển đó diễn ra nhanh hoặc chậm.

- Sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào cái ngẫu nhiên, kể cả những cái ngẫu nhiên rất nhỏ, ví dụ như cá tính của người lúc đầu lãnh đạo phong trào cách mạng.

 2. Tất nhiên và ngẫu nhiên là hai mặt thống nhất và đối lập


– Tuy cả tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại, nhưng chúng không bao giờ tồn tại biệt lập với nhau dưới dạng thuần túy, mà chúng tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ.

- Sự thống nhất hữu cơ đó thể hiện ở chỗ:

 + Cái tất nhiên bao giờ cũng vạch đường đi cho mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên.

 + Cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên, đồng thời bổ sung cho cái tất nhiên.

– Tức là, cái tất nhiên bao giờ cũng là khuynh hướng của sự phát triển. Khuynh hướng ấy mỗi khi tự bộc lộ mình thì bao giờ cũng bộc lộ ra dưới một hình thức ngẫu nhiên nào đó so với chiều hướng chung.

– Bản thân cái tất nhiên chỉ có thể được tạo nên từ những cái ngẫu nhiên. Còn tất cả những gì ta thấy trong hiện thực và cho là ngẫu nhiên thì đều không phải là ngẫu nhiên thuần túy, mà là những ngẫu nhiên đã bao hàm cái tất nhiên, đã che giấu cái tất nhiên.

 3. Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hóa cho nhau

– Trong hiện thực, tất nhiên và ngẫu nhiên không phải tồn tại vĩnh viễn ở trạng thái cũ mà thường xuyên thay đổi, và trong những điều kiện nhất định, chúng chuyển hóa lẫn nhau. Tức là, tất nhiên biến thành ngẫu nhiên và ngược lại.

Ví dụ:

+ Trong xã hội công xã nguyên thủy, việc trao đổi vật này (áo, quần…) lấy một vật khác (gà, chó…) là ngẫu nhiên. Vì khi ấy sức sản xuất của công xã chỉ đủ riêng cho mình dùng.

+ Sau này, khi sự phân công lao động đã rộng rãi, năng lực sản xuất đã lớn, có nhiều sản phẩm dư thừa. Khi đó, sự trao đổi sản phẩm tất yếu phải diễn ra để làm cho cuộc sống của con người ngày càng đầy đủ hơn.

– Ranh giới giữa tất nhiên và ngẫu nhiên chỉ có tính tương đối. Thông qua những mặt này, hay trong mối quan hệ này, thì biểu hiện là tất nhiên nhiên, nhưng qua những mặt khác, mối quan hệ khác, thì lại là ngẫu nhiên; và ngược lại.

– Ví dụ: Nếu như giống lúa ta trồng là giống tốt, mạ khoẻ, khi cây lúa cần nước ta cung cấp đầy đủ, cần phân bón ta bón phân đầy đủ, cần chăm sóc ta chăm sóc chu đáo thì tất nhiên năng suất lúa sẽ cao. Nhưng xét về mặt kết quả thu hoạch thì còn phải phụ thuộc vào các yếu tố ngẫu nhiên bên ngoài như: bão, lũ lụt, hạn hán,…


 III) Ý nghĩa phương pháp luận:

– Trong học tập, nghiên cứu, ta cần dựa vào cái tất nhiên chứ không thể dựa vào cái ngẫu nhiên. Vì cái tất nhiên vạch ra khuynh hướng, chi phối sự phát triển của sự vật.

– Nhiệm vụ của nhân thức là nhận thức cái tất nhiên, nhưng cái ngẫu nhiên cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của sự vật, nên không thể bỏ qua cái ngẫu nhiên.

– Cái tất nhiên không bao giờ tồn tại thuần túy mà luôn biểu lộ thông qua cái ngẫu nhiên, nên muốn nhận thức cái tất nhiên cần bắt đầu từ cái ngẫu nhiên. Ta chỉ có thể vạch ra được cái tất nhiên bằng cách nghiên cứu qua nhiều cái ngẫu nhiên.

– Cái ngẫu nhiên cũng không tồn tại thuần túy mà bao giờ cũng là hình thức trong đó ẩn nấp cái tất nhiên, nên trong nhận thức và hoạt động thực tiễn ta phải chú ý tìm ra cái tất nhiên ẩn giấu đằng sau cái ngẫu nhiên.

– Trong những điều kiện nhất định, cái tất nhiên có thể biến thành cái ngẫu nhiên và ngược lại, nên cần chú ý tạo ra những điều kiện cần thiết hoặc để ngăn trở, hoặc để sự chuyển hóa đó diễn ra tùy theo yêu cầu của hoạt động thực tiễn.

– Cần có các phương án dự phòng cho trường hợp các sự biến ngẫu nhiên bất ngờ xuất hiện để tránh bị động.


💬P/S: Dưới đây là bài Powerpoint được hoàn thiện bởi nhóm 4: Tất nhiên-Ngẫu nhiên

0 Nhận xét