GIỚI THIỆU MÔN HỌC

“Học triết học để làm gì?” Có lẽ, nhiều người khi nghe đến hai từ “triết học” là họ sẽ liên tưởng đến một môn học mà họ cho rằng chỉ phù hợp với những kẻ mọt sách, thích nghiên cứu, suốt ngày chỉ triết lý này nọ. Nhiều người cho rằng, học triết sẽ chả có tác dụng gì, vì nó chả động đến một tí kĩ năng nghề nghiệp cụ thể nào, như kế toán, lập trình viên, kĩ sư xây dựng, bác sĩ, giáo viên…Vì thế, nhiều người (ý tôi là người Việt Nam) đã không chú trọng đến việc học môn học này. Dường như, những người này đang có những hiểu lầm nhất định về môn Triết học, sau đây, tôi sẽ phân tích mọi người nhận ra những hiểu lầm này.Trước tiên, hãy dành chút thời gian để hiểu khái niệm Triết học.


Triết học là gì?

Triết học là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức và ngôn ngữ. Triết học được phân biệt với những môn khoa học khác bằng cách thức mà nó giải quyết những vấn đề trên, đó là ở tính phê phán, phương pháp tiếp cận có hệ thống chung nhất và sự phụ thuộc của nó vào tính duy lý trong việc lập luận.

Có một cách hiểu ngắn gọn đó là phân tích chính bản thân khái niệm triết học. Trong tiếng Anh, triết học được gọi là Philosophy. Nguồn gốc của từ này xuất phát từ hai từ “philo” và “sophia”. “Philo” tức là “yêu”, “sophia” nghĩa là “trí tuệ”, là “chân lý”. “Philosophy” là bộ môn mà người ta cùng nhau đi tìm cái gọi là “chân lý”, “sự đúng đắn”. Trong quá trình đi tìm “chân lý” ấy, sẽ tự nhiên dẫn đến các trường phái triết học khác nhau như duy tâm, duy vật, duy lý, hiện sinh… Ví dụ, “Tri thức luận” là lĩnh vực triết học đào sâu vào khái niệm “tri thức” : tri thức là gì, những gì cấu thành tri thức, chúng ta có thể có tri thức thực sự được hay không. Tựu chung lại, các triết gia là những người luôn luôn cố gắng đi tìm câu trả lời rốt ráo nhất cho mọi vấn đề. Bản thân khái niệm “triết học” cũng thể hiện được ý nghĩa tương tự, “triết” tức là “trí khôn”, là “chân lý” tương tự như từ “sophia”.


Tại sao cần phải học Triết học ?

Chúng ta cần phải học triết học, không phải vì [cần có] một câu trả lời dứt khoát nào cho các câu hỏi, bởi theo lẽ thường, không một câu trả lời dứt khoát nào có thể được coi là chân lý, mà là vì bản thân những câu hỏi; vì những câu hỏi này mở rộng quan niệm của chúng ta về cái khả hữu, làm giàu trí tưởng tượng trí tuệ của chúng ta và giảm bớt những sự chắc chắn có tính cách giáo điều vốn là cái khép kín tinh thần của chúng ta trước sự tư biện; nhưng trên hết vì, qua sự lớn lao của thế giới mà triết học chiêm ngắm, tinh thần cũng trở nên lớn lao, và có thể hợp nhất với thế giới, sự hợp nhất này là lợi ích cao nhất của nó.


0 Nhận xét